Skip to content

Quản lý dữ liệu

Tóm lược nội dung

Bài này trình bày:

  • Nhu cầu quản lý dữ liệu
  • Những công việc chính khi quản lý dữ liệu

Nhu cầu quản lý dữ liệu

Dữ liệu đóng vai trò ngày càng quan trọng trong xã hội ngày nay. Dữ liệu là nguồn tài nguyên giúp các cá nhân, tổ chức làm việc và vận hành hiệu quả.

Phần lớn cá nhân, tổ chức đều có nhu cầu quản lý dữ liệu. Quản lý dữ liệu hiệu quả giúp đem lại nhiều lợi ích, chẳng hạn như:

  • Dữ liệu được tổ chức tốt giúp hoạt động hiệu quả, giảm thiểu công sức và chi phí do nhập liệu thủ công và các thao tác trùng lặp, giúp tối ưu quy trình làm việc.

  • Dữ liệu chính xác và tin cậy giúp phân tích xu hướng, xác định cơ hội, giảm thiểu rủi ro và đưa ra quyết định sáng suốt.

  • Quản lý dữ liệu tốt giúp phát triển cá nhân, tổ chức, giúp mở rộng quy mô kinh doanh, sản xuất, giúp bảo vệ dữ liệu, bảo đảm tuân thủ pháp luật và các tiêu chuẩn đạo đức.

Các công việc chính trong quản lý dữ liệu

Quản lý dữ liệu bao gồm các công việc: thu thập, lưu trữ, tổ chức và khai thác dữ liệu.

Thu thập

Thu thập dữ liệu là quá trình tập hợp dữ liệu từ nhiều nguồn khác nhau thông qua các phương tiện như giấy tờ, phần mềm ứng dụng, cảm biến và các nguồn dữ liệu khác.

Ví dụ:

  • Học sinh nộp hồ sơ nhập học bản giấy,
  • hoặc khai báo thông tin nhập học trên trang web nhà trường.

Lưu trữ và tổ chức

Dữ liệu phải được lưu trữ và tổ chức theo một cấu trúc nào đó tùy thuộc vào khối lượng dữ liệu, quy mô hoạt động của cá nhân, tổ chức, kinh phí và những yếu tố khác. Lưu trữ và tổ chức tốt giúp dễ dàng tìm kiếm và truy xuất dữ liệu khi cần.

Ví dụ:

Dữ liệu của học sinh có thể lưu trữ:

  • bằng hồ sơ giấy, đặt trong các ngăn tủ tùy thuộc cách phân loại,
  • hoặc bằng các tập tin, đặt trong các thư mục khác nhau.

Cập nhật

Cập nhật dữ liệu bao gồm các thao tác:

  • Thêm dữ liệu
  • Chỉnh sửa dữ liệu
  • Xóa dữ liệu
  • Trong một số trường hợp là tạo ra các phiên bản khác nhau của dữ liệu.

Cập nhật dữ liệu là công việc giúp bảo đảm tính chính xác, kịp thời và tin cậy của dữ liệu.

Ví dụ:

  • Thêm dữ liệu khi có học sinh mới chuyển trường vào.
  • Chỉnh sửa dữ liệu khi có học sinh chuyển lớp hoặc khi có điểm số cần thay đổi.

Khai thác

Khai thác dữ liệu bao gồm các thao tác:

  • Tìm kiếm dữ liệu
  • Trích xuất dữ liệu
  • Sắp xếp dữ liệu
  • Thống kê dữ liệu
  • Phân tích dữ liệu

Yêu cầu của khai thác dữ liệu là phải bảo đảm tính dễ dàng, nhanh chóng, chính xác và được thực hiện đúng với quyền hạn của mỗi thành viên trong tổ chức.

Ví dụ:

  • Tìm thấy ngay hồ sơ của một học sinh khi cần.
  • Tính toán điểm trung bình và xếp loại học lực.

Quản lý dữ liệu đòi hỏi sự kết hợp đồng bộ giữa công nghệ, quy trình và con người. Trong nhiều trường hợp, sử dụng máy tính cho hoạt động quản lý dữ liệu là một lựa chọn tốt và hợp lý.

Sơ đồ tóm tắt nội dung

Sơ đồ tóm tắt về quản lý dữ liệu

Some English words

Vietnamese Tiếng Anh
cập nhật update
chỉnh sửa, bổ sung modify
khai thác exploit, make use of
lưu trữ store
quản lý dữ liệu data management