Skip to content

Nghề phát triển phần mềm

Tóm lược nội dung

Bài này trình bày những nét chính về nghề phát triển phần mềm.

Khái quát

Phát triển phần mềm là nghề sử dụng ngôn ngữ lập trình để biến những ý tưởng thành những sản phẩm công nghệ hữu ích, giải quyết các vấn đề trong cuộc sống và mang lại những trải nghiệm mới mẻ cho người dùng.

Nghề phát triển phần mềm có thể tạo ra các sản phẩm đa dạng như:

  • Ứng dụng trên máy để bàn, ứng dụng di động, ứng dụng nền web.
  • Hệ điều hành, hệ thống quản lý cơ sở dữ liệu, phần mềm trung gian, hệ thống nhúng.
  • Trò chơi điện tử.
  • Phần mềm mô phỏng, thực tế ảo, thực tế tăng cường.
  • Phân tích dữ liệu, tìm ra các xu hướng và đưa ra các dự đoán.
  • Các hệ thống trí tuệ nhân tạo.
  • Các loại phần mềm trong các lĩnh vực của đời sống.

Những công việc hoặc nghề nghiệp liên quan:

  • Phân tích yêu cầu: hiểu rõ yêu cầu của khách hàng, chuyển những yêu cầu mơ hồ thành những đặc tả kỹ thuật cụ thể.
  • Thiết kế hệ thống: lên kế hoạch về cấu trúc của phần mềm, cách các thành phần sẽ tương tác với nhau, lựa chọn công nghệ phù hợp.
  • Lập trình, viết mã lệnh: sử dụng các ngôn ngữ lập trình khác nhau để hiện thực hoá thiết kế đã đề ra.
  • Kiểm thử: kiểm tra kỹ lưỡng nhằm bảo đảm phần mềm không có lỗi, hoạt động đúng mong đợi và đáp ứng yêu cầu.
  • Triển khai: đưa phần mềm vào hoạt động trên môi trường thực tế.
  • Bảo trì và nâng cấp: theo dõi, sửa lỗi và nâng cấp phần mềm theo thời gian để đáp ứng những thay đổi và nhu cầu mới.

Kiến thức và kỹ năng cần có

  • Tư duy logic và năng lực giải quyết vấn đề: đây là yếu tố then chốt, đòi hỏi phải suy nghĩ một cách có hệ thống, phân tích vấn đề thành những phần nhỏ hơn nhằm tìm ra giải pháp hiệu quả.
  • Năng lực học hỏi và thích ứng nhanh: cần có tinh thần học hỏi không ngừng để cập nhật những kiến thức và kỹ năng mới nhất.
  • Sự đam mê và kiên trì: sự đam mê và kiên trì sẽ giúp vượt qua những bài toán khó và những thử thách trong việc viết mã lệnh.
  • Tính tỉ mỉ và cẩn thận: cẩn trọng và chú ý đến từng chi tiết.
  • Năng lực làm việc nhóm: nhiều dự án phần mềm thường do một đội ngũ thực hiện. Do đó, năng lực giao tiếp, phối hợp và làm việc hiệu quả với đồng nghiệp là rất cần thiết.

Ngành học liên quan

Một số ngành học liên quan trực tiếp đến nghề phát triển phần mềm:

  1. Công nghệ thông tin: là ngành học phổ biến và có liên quan mật thiết nhất đến phát triển phần mềm, cung cấp kiến thức nền tảng về khoa học máy tính, lập trình, cơ sở dữ liệu, mạng máy tính, và các kỹ năng phát triển phần mềm cụ thể.

    Trong ngành này thường có các chuyên ngành hẹp hơn:

    • Kỹ thuật phần mềm: tập trung vào quy trình phát triển phần mềm chuyên nghiệp, từ phân tích yêu cầu, thiết kế, xây dựng, kiểm thử đến bảo trì và quản lý dự án phần mềm.
    • Hệ thống thông tin: cung cấp kiến thức về ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý và vận hành doanh nghiệp.
    • Khoa học máy tính: cung cấp nền tảng cho việc nghiên cứu sâu về các nguyên lý của máy tính và khoa học tính toán.
  2. Khoa học dữ liệu: cung cấp kiến thức và kỹ năng để thu thập, phân tích và khai thác dữ liệu, xây dựng các mô hình liên quan đến dữ liệu.

  3. Trí tuệ nhân tạo: tập trung vào việc nghiên cứu và phát triển các hệ thống máy móc có khả năng tư duy và học hỏi như con người.
  4. An toàn thông tin: cung cấp kiến thức về các mối đe dọa an ninh mạng, các phương pháp phòng chống và các giải pháp bảo mật.
  5. Kỹ thuật máy tính: ngành này kết hợp giữa phần cứng và phần mềm, cung cấp kiến thức về thiết kế, phát triển và tích hợp phần cứng, phần mềm của các hệ thống máy tính lẫn thiết bị nhúng.

Nhu cầu nhân lực

Trong bối cảnh chuyển đổi số diễn ra mạnh mẽ ở mọi lĩnh vực, nhu cầu về đội ngũ phát triển phần mềm là rất lớn.

Nhu cầu nhân lực không chỉ giới hạn ở vị trí lập trình viên (viết mã lệnh) mà còn bao gồm nhiều vị trí khác như:

  • Kỹ sư phần mềm
  • Kiến trúc sư phần mềm
  • Chuyên gia kiểm thử phần mềm
  • Chuyên gia phân tích nghiệp vụ
  • Quản lý dự án
  • Chuyên gia DevOps
  • Chuyên gia bảo mật

Mặc dù vậy, một trong những yếu tố ảnh hưởng đáng kể đến nhu cầu nhân lực phát triển phần mềm chính là sự lớn mạnh của trí tuệ nhân tạo.

Sơ nét lộ trình học

Giai đoạn 1: Xây dựng nền tảng (khoảng từ 3 đến 6 tháng)

Giai đoạn này tập trung vào nắm vững những kiến thức và kỹ năng cơ bản nhất của lập trình.

  • Nguyên tắc cơ bản về lập trình: thuật toán, cấu trúc dữ liệu, cấu trúc điều khiển, hàm, lập trình hướng đối tượng, v.v...
  • Chọn ngôn ngữ lập trình cho người mới bắt đầu.
  • Làm quen với các công cụ phát triển cơ bản:
    • Trình soạn thảo hoặc môi trường phát triển tích hợp.
    • Hệ thống quản lý phiên bản.

Giai đoạn 2: Chuyên sâu vào một lĩnh vực (khoảng từ 6 đến 12 tháng trở lên)

Giai đoạn này tập trung vào một lĩnh vực cụ thể để học sâu hơn, chẳng hạn:

  • Phát triển web: frontend, backend.
  • Phát triển ứng dụng di động.
  • Phát triển game.
  • Phân tích dữ liệu.
  • Trí tuệ nhân tạo.
  • Phát triển phần mềm nhúng.

Giai đoạn 3: Thực hành và xây dựng dự án

  • Xây dựng các dự án cá nhân: thực hiện các ý tưởng riêng để rèn luyện kỹ năng và tạo portfolio.
  • Tham gia các dự án mã nguồn mở: đóng góp vào các dự án thực tế để học hỏi kinh nghiệm từ các nhà phát triển khác.
  • Thực tập tại các công ty phần mềm: học hỏi trong môi trường chuyên nghiệp và tích luỹ kinh nghiệm thực tế.
  • Tham gia các cuộc thi lập trình: rèn luyện kỹ năng giải quyết vấn đề và thuật toán.

Giai đoạn 4: Phát triển kỹ năng mềm và mở rộng kiến thức

  • Kỹ năng phân tích và giải quyết vấn đề.
  • Khả năng tìm ra giải pháp hiệu quả cho các vấn đề kỹ thuật.
  • Kỹ năng giao tiếp và làm việc nhóm.
  • Kỹ năng trình bày ý tưởng và giao tiếp với khách hàng.
  • Kỹ năng tự học.
  • Xây dựng mối quan hệ với những người trong ngành.

Some English words

Vietnamese Tiếng Anh
an toàn thông tin information security, cybersecurity
chuyên gia kiểm thử phần mềm QA/QC - quality assurance, quality control
hệ thống nhúng embedded system
hệ thống quản lý phiên bản version control system
hệ thống thông tin information systems
khoa học dữ liệu data science
khoa học máy tính computer science
kỹ thuật máy tính computer engineering
kỹ thuật phần mềm software engineering
môi trường phát triển tích hợp IDE - integrated development environment
phần mềm mô phỏng simulation software
phần mềm trung gian middleware
thực tế ảo virtual reality
thực tế tăng cường augmented reality
trí tuệ nhân tạo artificial intelligence
trò chơi điện tử video game
ứng dụng trên máy để bàn desktop application
ứng dụng di động mobile app
ứng dụng nền web web application